Borobudur-Nothwest-view

Tìm Về Ngôi đền Borobudur, Indonesia

Nghệ thuật và Kiến Trúc Phật Giáo

Borobudur, cái tên đã quen thuộc một số  bạn đọc có dịp đi du lịch về Á châu, tìm hiểu về những thánh tích Phật giáo hay nói đúng hơn là du lịch tâm linh.

Được dựng lên từ khoảng cuối thế kỷ thứ VII đầu thế kỷ thứ VIII thuộc miền trung của đảo Jawa, Indonesia. Cái tên Borobudur có nguồn gốc từ từ Vihara Buddhaur trong tiếng Phạn tạm dịch là “Đền thờ Phật trên đỉnh núi”.

Với cấu trúc 55.000 mét vuông đá, chùa Borobudur tựa như một Kim tự tháp của sáu hình chữ nhật với ba sân thượng tháp tròn và một tòa tháp chánh điện tựa như một đài sen, đóa hoa linh thiêng của Đức Phật.

Ở mỗi hướng (Đông-Tây-Nam-Bắc) đều có 92 tôn tượng Phật và 1460 bức họa hình tạc đá nghệ thuật theo kiến trúc Phật giáo. ở tầng thấp nhất có 160 bức phu điêu theo nhân quả và những câu chuyện khác nhau về cuộc đời của Đức Phật. 92 tôn tượng Phật được đặt trong những bảo tháp và trong mỗi tôn tượng này đều có thủ ấn (Mudra) cho biết tôn tượng này thuộc về hướng nào. Hướng đông với thủ ấn của trái đất kêu gọi làm chứng, phía nam với thủ ấn phước lành, phía tây với thủ ấn của thiền định, phía bắc với thủ ấn của sự can đảm và trung tâm của tháp với thủ ấn của chuyển Pháp Luân.Borobudur stupas

Theo ghi nhận, không chỉ là biểu tượng thánh thiện của Phật Giáo, bảo tháp Borobudur cũng tượng trưng cho vũ trụ vi tế được chia thành ba cấp, cấp thứ nhất là ham muốn của con người thì chịu ảnh hưởng bởi ham muốn tiêu cực, cấp thứ hai là một thế giới mà trong đó con người đã kiểm soát được những đòi hỏi xấu xa. Cấp cao nhất trong đó thế giới của con người không còn giới hạn bởi ham muốn vật chất và sự ham muốn thể xác và hữu lậu của thế gian.

Về lịch sử những ngôi chùa Phật Giáo ở đảo Jawa bao gồm của đền  Borobudur tính cho đến nay không còn một tài liệu nào nói rõ về lịch sử hình thành, nhưng theo phapluan.net thì ngôi đền Borobudur có thể được thành lập vào năm 800 sau Công nguyên, khoảng thời gian trùng với thời gian từ năm 760 đến năm 830 thời hoàng kim của triều đại Sailendra ở miền trung đảo Jawa dưới ảnh hưởng của đế chế Srivijayan. Công việc xây dựng đền Borobudur kéo dài trong khoảng 75 năm và được hoàn tất trong thời trị vì của Samaratungga.

Trong quá khứ ngôi đền Borobudur từng bị lãng quên, hay nói đúng hơn là từng bị vùi lấp dưới các lớp tro tàn của núi lửa của hàng ngàn năm trước và phải chờ tới năm 1900 trong một lần phục chế quần thể các thánh tích Phật Giáo ở đảo Jawa người ta mới tìm lại được và còn khám phá thêm được 2 ngôi đền Phật giáo khác để rồi không biết có phải là sự sắp đặt của tạo hóa hay có Đức Phật mà 3 ngôi đền Phật giáo đã tạo được một đường thẳng tâm linh từ đền Borobudur qua đền Pawon và đền Mendut mà ngày nay người ta gọi là đường thẳng tâm Phật. Đền Borobudur được dựng lên trên một ngọn đồi đá cao khoảng 265 mét (900 ft)  trên mực nước biển 15 mét trên nền của một cái hồ đã cạn. Cũng cần thưa thêm, sự tồn tại của hồ nước này cũng là đề tài gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học và khảo cổ thế kỷ 20. Có giả thuyết cho rằng, đền Borobudur được dựng trên một bờ hồ hay thậm chí được thả nổi trên mặt hồ dưới dạng thủy tạ. Năm 1931 ông Woj Nieuwenkamp, một nghệ sĩ người Hòa Lan cùng với những học giả của đạo Hindu và các kiến trúc sư Phật giáo đưa ra một lý thuyết để chứng minh về sự hình thành và tồn tại của ngôi đền Borobudur với lập luận, đền Borobudur tựa như một bông hoa sen nổi trên mặt hồ. Kiến trúc của Borobudur tượng trưng cho Kinh Pháp Hoa trong Phật Giáo Đại Thừa.Borobudur

Borobudur, ngôi đền Phật Giáo lớn nhất thế giới ở đảo Jawa, nay quay sang hai ngôi đền phật giáo khác cùng trong đường thẳng tâm linh, đường thẳng tâm Phật – là đền Pawon và đền Mendut. Một số người đã khá quen thuộc khi nghe đến dịp Lễ Vesak (Lễ Tam Hợp) mà người Việt thường gọi là Lễ Phật Đản. Ở Indonesia Lễ Vesak là Quốc Lễ và thường được cử hành  tại 3 ngôi chùa Phật giáo bằng cách rước Lễ đi bộ từ đền Mendut qua đền Pawon và kết thúc Lễ ở đền Borobudur.  Vậy đền Pawon và đền Mendut có lịch sử ra sao? Do đâu mà người ta lại nói 3 ngôi đền Borobudur – Pawon v à Mendut là đư ờng thẳng t âm linh, đường thẳng tâm phật?

Đền Pawon nằmgiữa Đền Mendut và Đền Borobudur trên một đường thẳng Borobudur-Pawon-Mendut. Cùng là những ngôi đền Phật giáo, Đền Pawon cách Đền Mendut 1.15 km về phía tây và cách Đền Borobudur 1,75 km về phía đông. Hiện thực kỳ diệu và hiển nhiên trong hơn ngàn năm đó của trời đất và con người Nam Dương lần đầu tiên người ta khám phá và tìm lại được trong dịp phục chế quần thể di tích lịch sử này vào năm 1900.

Có giả thuyết cho rằng “đường thẳng tâm linh” này là một sự “tình cờ”  trong quá trình xây cất. Trong khi có ý kiến khác cho rằng, các ngôi đền được liên kết với nhau bởi truyền thuyết về một con đường lát gạch từ Đền Borobudur đến Đền Mendut với những bức tranh tường trên cả hai mặt! Nếu có dịp phối kiểm xem ý kiến nào đúng với tâm linh của mình khi quý vị là một du khách cùng AV Travel hành hương trên con  “đường tâm Phật” Borobudur-Pawon-Mendut.

Về lịch sử, 3 ngôi đền đều được xây cất trong triều đại Sailendra từ thế kỷ thứ 8 và thứ 9. Nếu để ý kỹ các chi tiết và phong cách thì Đền Pawon cổ hơn Đền Borobudur. Ngôi đền này được xây cất bằng đá núi lửa, như một sự pha trộn giữa nghệ thuật Phật giáo của Java với nghệ thuật của Ấn Độ giáo.

Nhờ sự đối xứng, đơn giản và hài hòa, Đền Pawon được ví như “Viên ngọc quý của kiến ​​trúc đền đài Java”. Có thể xem ngôi đền này như một nơi để tịnh tâm trước khi viếng thăm quần thể Borobudur.

Mendut buddhist templeThe map of Borobudur Archaeological Park and its surrounding, showing that Mendut, Pawon, and Borobudur forming a straight linePawon buddhist temple

An tọa trong thị xã Magelang thuộc miền trung đảo Java, Đền Pawon với tiếng địa phương là Candi Pawon, trongtiếng Anh là Temple of Pawon. Cho đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa tìm ra tên ban đầu của ngôi đền. Trong ngôn ngữ Java thì pawon có nghĩa nhà bếp, nguồn gốc ở chữ awu nghĩa là gốc hoặc bụi. Việc có nguồn từ chữ “bụi” cho thấy ngôi đền dường như được xây cất như lăng mộ hay đền hỏa táng cho một vị vua nào đó cũng chưa được xác định; Có thể là Vua Indra? Một giải thích mới nhất cho rằng, Đền Pawon không phải là ngôi mộ, mà là nơi để giữ cho Vua Indra một thứ vũ khí giống như lửa.

Các nhà nhân chủng học Indonesia thì cho rằng, Đền Pawon là một hoặc một phần không thể tách rời của khu đền Borobudur. Dù nhỏ hơn những ngôi đền khác, nhưng ngôi đền này vẫn có nhiều thông tin về kiến ​​trúc và lịch sử của toàn bộ khu di tích Phật  giáo và Ấn giáo trên vùng bình nguyên ở đảo Jawa.

Borobudur muralĐền Pawon nằm trên một nền tảng hình chữ nhật chỉ cao 1,5 mét. Các cạnh của bề mặt được uốn cong. Tường bên được trang trí với các tác phẩm điêu khắc vẽ hoa và có dây leo. Không giống các ngôi đền Phật khác, phần thân của Đền Pawon tương đối mỏng, giống các đền thờ đạo Hindu. Bên trong của Đền Pawon hoàn toàn trống rỗng! Tuy nhiên, người ta tin rằng từng có một bức tượng Bồ Tát bằng đồng ở bên trong ngôi đền. Bức tượng đó là biểu tượng sự tôn vinh Đức Vua Indra – người được cho là đã đạt tâm Bồ Tát.

Đền Pawon còn có một họa phẩm điêu khắc rất lạ mang hình một chú mèo mà cho đến nay chưa có lời giải thích nào được truyền tụng. Nếu có dịp tới đây quý vị hãy để ý  tới chi tiết đó?

Mặc dù rất nhỏ so với 2 ngôi đền Borobudur và Mendut, nhưng Đền Pawon luôn vẫn giữ vẻ huyền diệu trong kiến ​​trúc và nguồn gốc bí ẩn của mình.

Một ngôi đền khác cũng nằm trong đường thẳng tâm Phật có tuổi thọ lâu đời nhất trong 3 đền đó là Đền Mendut được xây cất từ năm 824 và về kích thước chỉ như một tháp Chàm ở Việt Nam.

Borobudur-buddhaCách khu di tích Borobudur về phía đông chừng 3 km, Đền Mendut nổi danh toàn cầu vì sở hữu 3 bức tượng Phật bằng đá rất lớn và lạ, thể hiện quan niệm “từ động vào định” của Kim Cương thừa khi diễn tả các vị Bồ Tát Di Lặc, Quán Thế Âm và Kim Cương Thủ. Ba bức tượng này được thừa nhận thuộc vào hàng những bức tượng đá đẹp nhất trên thế giới về sự hoàn hảo!

Ba pho tượng Phật ở Đền Mendut cao khoảng 3 mét và đặc sắc là ở tư thế cùng dáng vẻ mà không một pho tượng Phật nào từng có. Nếu là lần đầu tiên du khách sẽ thấy một bức tượng Phật ngồi không theo tư thế hoa sen! Tượng đức Bồ Tát Di Lặc ngồi thõng hai chân rất thoải mái. Bên trái là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cũng thả chân phải xuống, còn bên phải là vị Kim Cương Thủ đang thả lỏng chân trái.

Các tư thế thong dong và thoải mái của 3 vị Phật, Bồ tát này giống như những ý niệm giúp khách hành hương giải thoát được nghiệp của miệng (karma of speech), của ý (karma of thought), và của thân (karma of body). Liệu quý khách có cảm thấy mình như đang về với Phật tính, bản tâm và chân như, để quên đi về danh vọng, hưởng thụ, phù du?

Đối với Phật tử ở Indonesia và nhiều nơi trên thế giới, Đền Mendut mang giá trị rất đặc biệt. Sự tồn tại của 3 bức tượng Phật khổng lồ với vẻ đẹp hấp dẫn và lạ lùng vừa là di tích tâm linh, vừa là kiệt tác nghệ thuật. Ba bức tượng an tọa điềm nhiên trong đền thờ luôn được các Phật tử trong vùng nhìn thấy từ đó tỏa ánh hào quang của phước hạnh. Theo thời gian ngày càng có nhiều du khách và Phật tử hành hương từ mọi miền trên thế giới tới Đền Mendut trước khi thăm viếng quần thể Borobudur.

Ngôi đền Mendut cũng làm du khách kinh ngạc với những bậc thang đá hơn ngàn năm tuổi. Với điêu khắc chạm trổ sắc sảo của phần tường bao quanh những bậc thang đá còn nguyên vẹn. Với những câu chuyện, cuộc đời của đức Phật, của các vị Bồ tát cùng hình ảnh cuộc sống đời thường xưa kia… Các phù điêu minh họa sinh động sẽ làm bước chân của quý vị cuốn theo mặt ngoài Đền đến hết vòng mà vẫn muốn đi mãi.

Đền Mendut dù nhỏ bé cũng tạo thành một phần không thể tách rời của tâm niệm hành hương đến đỉnh núi vũ trụ của Phật giáo ở Borobudur,  ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới.Borobudur-Festival

Trở về nhà sau chuyến hành hương dài ngày và kỳ diệu cùng xứ sở biển, rừng Indonesia, du khách sẽ có biết bao điều để nhớ về những cảnh quan hoang sơ và trong lành, về những lễ hội nhộn nhịp trên đường phố mang tính truyền thống của người dân bản xứ với vẻ đẹp đằm thắm trong trang phục quyến rũ của các cô gái Jawa và Bali.

Việt Hùng

 

Photos: 1. Borobudur Temple view from northwest plateau, Central Java, Indonesia, 12 June 2008, Author Gunawan Kartapranata; 2. Mendut Temple, October 2008, author Gunawan Kartapranata; 3. Maf of Borobudur, 11 March 2011, author Gunawan Kartapranata; 4. Pawon Temple, October 2008, author Gunawn Kartapranata; 5. The murals (reliefs) on the wall of Borobudur, central Java, Indonesia, 2004, Frank Wouters; 6.Ballet Performance in front of the Borobudur Temple, 2006, Flying Pharmacist, 7. A Buddha statue with the hand position of dharmachakra mudra (turning the Wheel of the Law), 2004, Jan-Pieter Nap. 8. Borobudur stupas overlooking a mountain, 2008, Heaven’s Army.